Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Buộc sinh viên học tiếng Anh 4 năm ở trường là lãng phí

(VnMedia) - Tại hội thảo Đào tạo tiếng Anh trong các trường đại học (ĐH) không chuyên ngữ, ngày 5/12, Thạc sĩ Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch Công ty IIG Việt Nam, đại diện cho Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận xét, trình độ tiếng Anh của sinh viên Việt Nam không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực sử dụng tiếng Anh giữa họ. Nếu bắt buộc các sinh viên này phải ngồi học tiếng Anh trong 4 năm ở trường ĐH là rất lãng phí và không hợp lý.

Thạc sĩ Đoàn Hồng Nam phân tích, trong một lớp học thường bao gồm nhiều sinh viên có trình từ sơ cấp (gồm những sinh viên học tiếng Anh lần đầu tiên) đến trung cấp (gồm những sinh viên đã học hệ đào tạo tiếng Anh 9 năm ở phổ thông), với những lớp học đa trình độ như vậy gây nhiều khó khăn cho giảng viên, khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả các sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học.


Theo số liệu đánh giá 9.948 sinh viên năm thứ nhất của 13 trường ĐH cho thấy điểm bình quân là 250 điểm TOEIC, tuy nhiên điểm số chạy từ 50 đến 850. Như vậy, sự chênh lệch ở trình độ đầu vào của sinh viên các trường là rất lớn. Có những sinh viên gần như không biết tiếng Anh và ngược lại có những em trình độ đã rất giỏi (cao cấp), ở trình độ 850 điểm TOEIC - mức chuẩn mà Bộ GD&ĐT dùng làm chuẩn giáo viên giảng dạy tiếng Anh. Vì vậy, theo ông Nam cần có giải pháp cho những học sinh có trình độ mới bắt đầu học.

Thời lượng đào tạo không đủ

Thạc sĩ Đoàn Hồng Nam, cho biết thời lượng giảng dạy tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ tại Việt Nam cũng không đủ để đào tạo 100% sinh viên khi ra trường đạt được trình độ mà các nhà tuyển dụng yêu cầu. Thực tế cho thấy, cả giảng viên và sinh viên ở các trường đều không có đủ thời gian để đào tạo và tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn.

Theo số liệu khảo sát của IIG tại 18 trường ĐH cho thấy điểm bình quân sinh viên năm thứ nhất dao động ở mức 220 - 245/990 điểm TOEICvà với mức độ điểm này học sinh cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết), để đạt được 450 - 500 điểm TOEIC - mức điểm mà nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ, nhưng theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH thường các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho học sinh.

Tập trung quá nhiều vào tiếng Anh chuyên ngành

Đào tạo tiếng Anh ở các khối không chuyên thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào tiếng Anh chuyên ngành chứ không phải là rèn luyện ỹ năng tiếng Anh. Do đó theo Thạc sĩ Đoàn Hồng Nam, cho dù họ có học các thuật ngữ hãy các từ tiếng Anh chuyên ngành thì cũng khó có thể nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh trong giao tiếp.

Rất nhiều trường tập trung nhiều vào xây dựng chương trình và thời gian đào tạo tiếng anh chuyên ngành, trong khi đó năng lực sử dụng tiếng Anh của sinh viên còn rất hạn chế và dẫn đến kết quả là sinh viên học mà vẫn không sử dụng được.

Chuẩn đánh giá: mỗi trường mỗi kiểu

PGS, TS TrầnThị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trên cơ sở báo cáo của các trường cho thấy, 87,2% số trường được khảo sát có xác định tiêu chí khi xây dựng chương trình chi tiết môn tiếng Anh, tuy nhiên các tiêu chí này chung chung, không có tiêu chí cụ thể nào về chuẩn trình độ sử dụng tiếng Anh cho từngnăm học hoặc sau khi kết thúc học môn tiếng Anh của người học.


Hiện chỉ có 14,4% trường ĐH sử dụng chuẩn trình độ tiếng Anh theo TOEIC làm điều kiện tốt nghiệp cho sinh viên. Các trường ĐH còn sử dụng các chuẩn tiếng Anh rất khác nhau, mỗi trường mỗi kiểu để đánh giá kết quả học tập và xem xét điều kiện tốt nghiệp cho sinh viên như: trường ĐH Luật Hà Nội sử dụng TOEFL, trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM sử dụng CEF, trường ĐH Đại Nam sử dụng IELTS và trường ĐH Lâm nghiệp sử dụng chứng chỉ B tiếng Anh.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Trần Hồng Nam, số lượng trường triển khai áp dụng các chuẩn đánh giá quốc tế cho sinh viên ra trường như TOEFL và TOEIC còn hạn chế. Trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức đặt chuẩn ngoại ngữ theo TOEIC làm tiêu chuẩn tuyển dụng. Điều này dẫn đến một tình trạng có khá nhiều sinh viên khi ra trường nộp hồ sơ xin việc khi được yêu cầu có chứng chỉ TOEIC mới đi thi để kịp có điểm nộp hồ sơ. Do thời gian nộp hồ sơ ngắn nên các sinh viên này rất bị động trong việc chuẩn bị cho kỳ thi về cả thời gian lẫn chuyên môn.

Sinh viên các khối không chuyên ngữ học tiếng Anh nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh rất hạn chế, có thể nói phần lớn không sử dụng được. Vì vậy, theo ý kiến tham luận của bà Trần Thị Hà thì cần phải có sự đổi mới một cách tổng thể trong việc giảng dạy tiếng Anh, mà quan trọng nhất là chuẩn hóa trình độ bằng chương trình kiểm tra quốc tế, lấy việc chuẩn hóa này làm căn cứ đưa ra yêu cầu về chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình phù hợp, sắp xếp thời lượng đào tạo hợp lý, trang thiết bị giảng dạy hiệu quả.


Thùy Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét